Chim chào mào có mấy loại? Những loại nào được chơi cảnh nhiều nhất?
Chm chào mào mũ phân bố chủ yếu ở Châu Á, chúng là loài chim thuộc bộ Sẻ, là một phần không thể thiếu của họ Chào Mào. Chúng là động vật ăn trái cây, các loại hạt và côn trùng như sâu, dế, cào cào.
Phân loại chim chào mào phổ biến tại Việt Nam:
Chào mào núi (chào mào xanh): đây là giống chim phổ biến ở Miền Nam, thường được các nghệ nhân vùng Bình Định, Phan Thiết, Đồng Nai chơi nhiều nhất. Chúng có màu xanh lá chuối ở toàn thân và phần đầu màu đen có mũ.
Chào mào bông lâu: Cũng thuộc loại hót hay nhưng vì ngoại hình loài này không đẹp nên ít người chơi. Thường được nuôi ở khu vực miền Trung và niềm Nam.
Có 2 loại là chào mào lâu đít vàng và mào lâu đít đỏ, chúng có thân hình to khỏe hơn loại chào mào Núi ở trên.
Chào mào mũ (hay còn gọi là chim Miều): được đại đa số nghệ nhân chơi chim tìm kiếm và nuôi thuần để nghe hót, làm cảnh, thi đấu. Chúng có tiếng kêu, hót và ché cực hay ai cũng phải thích. Thêm thái độ thi đấu tốt, cách chúng thể hiện thế tấn công cũng quá đẹp.
Chúng có khắp ở mọi niềm đất nước, mỗi vùng miền có mỗi chất giọng khác nhau (ngôn ngữ người chơi gọi là khác nguồn nước uống). Chúng có mũ (cái mào) ở trên đầu màu đen. Có 2 tách trắng và đỏ ở phần má, phần bụng màu trắng xám, đít đỏ và lung đuôi màu nâu đen.
Tại sao chào mào Huế lại được chọn nuôi nhiều nhất trên cả nước?
Ở Việt Nam, xứ Huế mộng mơ còn được mệnh danh là xứ sở chim miều. Có thể do nguồn nước uống, nguồn thức ăn, khí hậu đặc trưng mà khởi tạo ra dòng chim chào mào có chất giọng rất hay. Được tất cả dân chơi chim trên toàn quốc yêu mến và săn đón cho bằng được.
Họ sẵn sàng bỏ ra rất nhiều công sức và tiền của để sở hữu những chú chim quý giá này.
Một số vùng chim hay ở Huế như chào mào A Lưới, Chào mào Nam Đông, Chào mào Dương Hòa, Chào Mào Kim Phụng, Chào Mào Trung Mang, Chào mào Bình Điền, Chào Mào Sông Côn, Chào Mào Khe Đầy, Chào mào Kim Long…Ngoài ra chào mào Khe Sanh ở Hướng Hóa Quảng Trị cũng khá nổi tiếng.
Cách đánh giá chất giọng của chim chào mào
Giải thích thêm ở phần chất giọng chim chào mào Huế được ưu chuống là điểm đặc trưng nhất. Giọng chim Huế không quá dài như các vùng khác (Chào mào Trà My, Tây Giang ở Quảng Nam siêu dài) nhưng nó hót rất rõ âm. Giọng trong trẻo và thánh thót, luyến láy (hay còn gọi là đảo giọng) nghe rất phê.
Giọng chào mào mũ hót kéo thường xoáy từ phần giữa đến phần cuối và âm nào ra âm đó. Không bị đè âm.
Các quảng âm, số âm của chào mào má trắng hoặc trời non thường là 345, 456. Còn số âm của chim chào già rừng thường hót 567, 678 thậm chí 789.
Một số trường phái chơi dòng này họ mê mệt những còn chim kéo hót giọng dài. Cứ hót càng dài sẽ càng hay (chim bộ văn). Nhưng có trường phái chỉ thích chim thái độ đấu tốt (chim bộ võ).
Cách đánh giá lựa chọn ngoại hình chim chào mào?
Nói về ngoại hình (dân chơi gọi là bóng bộ) của chim chào mào má đỏ thường có các đặc điểm như sau:
1. Về tổng quan: Chim to, dài, mỏng lông thì được lựa chọn. Tiếp đến là chào mào ngũ đoản.
2. Về phần đầu: Đầu lân, siêu lân, gốc mào dày được thì có giá trị nhất. Sau đó đến chào mào lân tê, Chào mào lân cui, chào mào mũ đinh, mũ rơm, chào mào mũ dê, cui đinh, gấy ngựa…
3. Về phần cổ và ngực: ở đây có đặc điểm là chiếc ướm (vòng tròn màu đen trước ngực). Ướm càng đậm càng đen, dày và khít thì càng có giá trị. Nhìn con chim sẽ mạnh mẽ và uy lực hơn. Đây cũng là điểm nhấn khiến ai cũng phải mê mẫn.
4. Thái độ thi đấu: Cánh ruồi, xòe mềm ở đuôi (nếu xòe cứng càng tốt), hót ché họng bò, cúp cầu (cong đuôi hình số 7) thì ưu tiên lựa chọn.
Chào mào bạch tạng thì sao?
Khỏi phải bàn vì đây là loại chim chào mào đột biến quý hiếm ít người sở hữu được vì giá chào mào bạch tạng rất cao.
Đặc điểm của dòng này là bộ lông trắng toát từ trên xuống dưới. Những phần màu đỏ như má, đít là giữ nguyên. Mí mắt có màu đỏ gọi là mi đỏ, mỏ lột màu hồng, chân hồng (gọi là chân huyết).
Ngoài chào mào trắng còn có các loại đột biến nhưng ít hơn như chào mào socola, chào mào vảy cá, chào mào mơ, chào mào bông (chấm bông trắng trên lưng và mặt)…
Ở thời đỉnh điểm, giá chim chào mào bạch tạng có thể lên đến vài trăm triệu đồng (tùy chim bẫy đấu mộc rừng hay chim nuôi ghép đẻ sinh sản).
Các loại lồng nuôi chào mào đẹp thường được dùng nhất hiện nay?
Lồng chim chào mào thay đổi liên tục theo xu hướng của nghệ nhân chơi chim. Mỗi năm sẽ lại có 1 kiểu lồng nổi bật và phong trào nổi lên khiến người người tậu về nhốt chim quý.
Hiện nay, lồng chim chào mào có 5 loại chính:
+ Lồng đấu vuông 17 nan, 19 nan, 23 nan.
+ Lồng vuông cao 17 nan, 19 nan.
+ Lồng thái đấu 19 nan, 23 nan.
+ Lồng Sin đấu 23 nan.
+ Lồng bổi 15 nan (là loại dùng để nuôi chào mào già rừng, chim mộc, chim bổi mới từ rừng về chưa thuần còn tung hoảng sợ người)
Chât liệu làm lồng chim:
Đa phần từ các loại gỗ như gỗ mun (mun hoa), gỗ trắc, gỗ hương, gỗ kiền, gỗ xoan, gỗ cẩm lai, gỗ muồng…
Còn các loại lồng có giá trị cao hơn thường làm thì cây tre già, được chạm khắc bằng tay như chạm sóc nho, chạm mai. Phần chân quỳ cũng rất đẹp và giá trị nghệ thuật cao.
Cách phân biệt chim chào mào trống và chào mào mái?
Rất nhiều người mới chơi chim chào mào không phân biệt được chim trống-mái. Ở đây chúng ta sẽ phân biệt tương đối vào các đặc điểm như sau:
1. Phân biệt qua giọng hót: Chim trống thường đảo giọng nhiều, hót nhiều giọng hay. Điều dễ nhìn thấy nhất là chim chào mào trống thường chơi bọng (chơi gió, chào mào líu ở cổ nhưng rất nhỏ). Còn chào mào mái thì không hót bọng ở cổ.
2. Phân biệt qua hình dáng: Chào mào trống to dài, màu lông đậm đẹp hơn chim mái. Tướng tá đồ sộ, oai vệ hơn và nhìn dữ chim hơn.
Một số người sẽ nhìn vào mắt (mắt chào mào trống thường méo hơn, chim mái mắt tròn). Nhìn vào đầu (chim trống có đầu to và nhiều lông gấy, chim mái ít hơn và đầu nhỏ hơn)
Một số người đếm số lông đuôi: Lông đuôi chào mào trống 13 sợi, chim mái 12 sợi.
Chim chào mào non, chào mào má trắng, chào mào mộc bổi, nên nuôi loại nào?
Chọn nuôi 1 chú chim chào mào tùy vào sở thích ở mỗi người. Đặc biệt đẳng cấp chơi mỗi người sẽ khác nhau, tài chính mỗi cũng vậy.
Chào mào non, chào mào má trắng nuôi nhanh thuần (dạn người) nên rất nhanh hót. Thời gian thuần chào mào má trắng tầm 2-3 tháng. Loại này dành cho người thiếu kiên nhẫn và ham theo phong trào. Nhược điểm của lứa chim này là hót không bền, nhiều tật lỗi.
Riêng chào mào bổi già rừng rất khó thuần, loại này chỉ dành cho những nghệ nhân thực sự. Đam mê và kiên trì bền bỉ để thuần chào mào bổi già rừng mất từ 1-3 năm trời chứ không phải đùa.
Hướng dẫn cách nuôi chim chào mào để hót hay và nhanh thuần nhất
Chim chào mào ăn gì? khi thay lông ăn gì?
Ở ngoài tự nhiên, thức ăn của chúng đã được giới thiệu ở đầu bài viết. Khi thuần lồng chúng ta sẽ sử dụng cám chim chuyên dành cho chào mào.
Thành phần của cám chim gồm ngũ cốc các loại (đậu xanh, đậu đỏ, đậu nành, đậu lạc, gạo lứt…), đạm từ tôm, trứng gà, trứng vịt lộn, chuối chín… chúng được xay mịn và sấy khô thành viên nhỏ.
Một số loại cám chim chào mào nổi tiếng như: Cám chào mào Quốc Huế, Cám chào mào Phú Vang, Cám chào mào Bùi Trung Quân, Cám Hiễn Bảo Khánh, Cám Hiệp Đồng Nai, Cám Bộ Ba Phép Thuật, Cám Phạm Công Hải…
Khi mùa thay lông, đặc biệt là giai đoạn chào mào rụng lông đuôi chúng ta bắt đầu chế độ như sau:
- Vẫn cho ăn cám chim như bình thường.
- Thêm các loại trái cây mát như: Cà chua, đu đủ, thanh long, mướp khía, dưa hấu, bình bát, quả phèn (trắng, đen)…
- Cho ăn cào cào (châu chấu non) 4-6 con/ngày.
- Dùng áo lồng trùm lồng chim lại liên tục, hạn chế phơi nắng.
- Cho chim tắm 2 ngày/lần.
- Mẹo dân chơi: thả ít vỏ quả thanh trà hoặc quả bưởi phía dưới đấy lồng. Cũng có thể lót thêm lá cây xoăn để chim thay lông nhanh hơn.
Có người hỏi, chào mào thay lông tháng mấy? Đa phần bắt đầu từ tháng 7 dương lịch đến gần Tết Nguyên Đán là khoảng thời gian chim thay lông. Nếu nhanh thì tầm 2-3 tháng là thay xong hoàn thiện.
Khi chim chào mào hót thi đấu, chế độ nuôi thế nào?
Hạn chế đồ ăn mát và tăng cường thêm đạm cho chúng (ăn sâu, cào cào, phơi nắng nhiều hơn, tập thể lực ở lồng to hơn). Có 1 sản phẩm tiện ích hơn đó là hạt cào cào (search google sẽ thấy).
Thời gian nuôi bao lâu thì chim chào mào bắt đầu chơi sung mãn nhất?
Để chào mào hót sung, chào mào hót ché ít nhất bạn phải nuôi nó thuần trên 80% và thay lông mùa thứ 2 trở lên.
Tùy tố chất mỗi chú chim mà thời gian ngắn hay dài, có những chú chào mào chỉ nuôi 6-8 tháng là đã hót sung và có thể thi đấu. Nhưng cũng người nuôi 3 năm thì chào mào vẫn không chịu đấu giàn.
Các bệnh thường gặp ở chim chào mào và cách khắc phục.
Chào mào bị ho khàn giọng:
Một trong những bệnh thường gặp ở những chú chào mào hay là đây. Cứ trái gió trở trời là lại bị ho. Triệu chứng là ho xịt ra ở miệng, giọng kêu bị khàn không rõ âm.
Cách chữa trị: Cho uống mật ong pha loãng từ 3-5 ngày, bổ sung thuốc ho choc him (ở các bệnh viện thú cưng hoặc bác sĩ thú y). Bạn cũng có thể tìm loại thuốc trị ho cho chim của anh Phạm Công Hải (Tp Huế).
Đừng để đến lúc chào mào bị ho nặng mới áp dụng thì bạn đã quá muộn nhé.
Chào mào bị đau chân:
Thông thường do nhảy nhiều hoặc bị móc trúng vật nhọn làm chân bị đâu và yếu. Hãy bổ sung canxi và cho ăn cào cào, che đậy lồng lại hạn chế cho chim nhảy nhiều. Tầm 5-7 ngày bạn sẽ thấy hiệu quả.
Nêu bị nặng hơn, hãy thả nó vào vùng nuôi nhốt lớn (lồng chim avi) có đất sỏi cát bên dưới.
Chào mào bị bệnh đường ruột (bị tiêu chảy):
Bạn sẽ thấy triệu chứng chú chim quý của mình không hót nữa, đi ngoài nhiều và toàn nước lỏng. Xù lông và yếu dần. Hãy nhanh chóng dùng thuốc kháng sinh nhé.
Chào mào bị trúng gió:
ca này dễ, bạn chỉ cần đặt chim vào góc kín, giọt 5-7 giọt dầu gió trong lồng chim. Sau đó dùng hành củ tím và tỏi đập nát thả vào tiếp và đậy lồng lại.
Cứ sau 2-3 ngày lập lại tương tự và xem hiệu quả hay không nhé.
Các lỗi thường gặp ở những chú chim chào mào
Đa phần khi đấu giàn các chú chim đều không biểu hiện tật lỗi của mình. Nhưng vì 1 lý do nào đó, ví dụ như bạn kích chào mào đấu đến mức sung quá sẽ dễ gây ra ức chế. Chim sẽ bắt đầu bị lỗi, các lỗi này không được chấp nhận bởi nhiều nghệ nhân.
Một số lỗi như:
- Chim chào mào hót giọng mái.
- Chào mào bị lộn nhào, bị ngữa cổ, bị ngoái đầu lui phía sau.
- Chào mào bị cụt móng, chào mào cắn đuôi, cắn cánh.
Có một số cách khắc phục tình trạng tật lỗi của chào mào mũ nhưng thông thường đều rất khó dứt điểm hoàn toàn.
Những cuộc thi chim chào mào nổi tiếng nhất tại Việt Nam
Là một nghệ nhân đam mê chim chào mào, bạn sẽ chăm sóc bồi dưỡng cho những chiến binh của mình đạt đỉnh sung mãn nhất. Hãy dành khoảng thời gian đó cho chú chim của mình cọ sát, thể hiện hết phẩm chất và giành các giải thưởng cao quý trong lĩnh vực thi chim chào mào.
Một số cuộc thi chim đấu giàn đẳng cấp chọn ra những chú chim xuất sắc nhất Việt Nam như:
- Hội thi Siêu Cup chim chào mào
- Hội thi chim chào mào Osaka
- Hội thi tiếng hót chim chào mào Huế mở rộng
Tiêu chí chấm thi là các chú chim phải hót đấu liên tục không ngơi nghỉ, những chú chim bỏ đấu sẽ bị loại. Hoặc các chú chim thái độ thi đấu yếu kém hơn xung quanh, có tật lỗi cũng sẽ bị cảnh cáo và loại sau đó.
Nếu chú chim của bạn chưa đạt đến cảnh giới đó, hãy chọn những cuộc thi chim cảnh nội bộ, các CLB trong thành phố để thử sức nhé.
Chúc các nghệ nhân chơi chim mào mũ thật nhiều niềm vui, chúc cho thú chơi chim cảnh lành mạnh và bổ ích sẽ lan tỏa hơn nữa.
Xem thêm:
Top 10 phim Hàn Quốc hay nhất cày mùa dịch